Cách trồng hoa lan cắt cành- các bước tiến hành

Trồng lan cắt cành như thế nào? Phương pháp trồng và các bước tiến hành để đạt được hiệu quả cao chắc hẳn là câu hỏi phổ biến ở những người yêu lan, muốn tìm tòi và trồng loại lan cắt cành tại gia. Hoalan360 sẽ chia sẻ cùng bạn đọc cách trồng hoa lan cắt cành dễ thực hiện..

 

Trồng lan cắt cành như thế nào?

Đặc tính thực vật học của lan cắt cành

Thân cây lan: Lan gồm 2 loại thân: Đa thân và đơn thân. Ở các loài lan sống phụ có nhiều đoạn phình lớn thành củ giả (giả hành). Đó là bộ phận dự trữ nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây trong điều kiện khô hạn khi sống bám trên cao. Củ giả rất là đa dạng: Hình cầu hoặc hình thuôn dài xếp sát nhau hay rải rác đều đặn hoặc hình trụ xếp chồng chất lên nhau thành một thân giả. Cấu tạo củ giả: Gồm nhiều mô mềm chứa đầy dịch nhầy, phía ngoài là lớp biểu bì với vách tế bào dày, nhẵn bóng bảo vệ, tránh sự mất nước do mặt trời hun nóng. Đa số củ giả đều có màu xanh bóng, nên cùng với lá làm nhiệm vụ quang hợp.

Rễ lan: Lan là họ sống phụ bám, treo lơ lửng trên các cây thân gỗ khác. Các dạng thân gỗ nạc dài, ngắn, mập hay mảnh mai đưa cơ thể bò đi xa hay chụm lại thành các bụi dày. Rễ lan làm nhiệm vụ hấp thu chất dinh dưỡng, chúng được bao bởi lớp mô hút dày, ẩm bao gồm những lớp tế bào chết chứa đầy không khí, do đó nó ánh lên màu xám bạc. Với lớp mô xốp, rễ có khả năng hấp thu nước mưa chảy dọc dài trên vỏ cây, lấy nước lơ lửng trên không khí.

Đặc tính thực vật của lan cắt cành

Đặc tính thực vật của lan cắt cành 

Lá lan: Hầu hết các loài phong lan đều là cây tự dưỡng, nó phát triển đầy đủ hệ thống lá. Hình dạng của lá thay đổi rất nhiều, từ loại lá mọng nước đến loại lá phiến mỏng. Phiến lá trải rộng hay gấp lại theo các gân vòng cung hay chỉ gấp lại theo gân hình chữ V. Màu sắc của lá thường xanh bóng, nhưng có trường hợp 2 mặt lá khác nhau. Thường thì mặt dưới có màu xanh đậm hay tía, mặt trên lại khảm nhiều màu sặc sỡ.

Hoa lan: Hoa lan đối xứng qua một mặt phẳng. Bên ngoài có 6 cánh hoa, trong đó 3 cánh ngoài cùng là 3 cánh đài, thường có màu sắc và kích thước giống nhau. Một cánh đài nằm ở phía trên hay phía sau của hoa gọi là cánh đài lý, hai cánh đài nằm ở 2 bên gọi là cánh đài cạnh. Nằm kề bên trong và xen kẽ với 3 cánh đài là 3 cánh hoa, chúng giống nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc. Cánh còn lại nằm ở phía trên hay phía dưới, có hình dạng và màu sắc khác hẳn với các cánh còn lại gọi là cánh môi. Cánh môi quyết định giá trị thẩm mỹ của hoa lan.

Quả lan: Quả lan thuộc quả nang, nở ra theo 3 – 6 đường nứt dọc.

Hạt lan: Hạt lan thường rất nhiều và hạt liti. Hạt chỉ cấu tạo bởi một lớp chưa phân hoá, trên một mạng lưới nhỏ, xốp, chứa đầy không khí. Hạt trưởng thành sau 2 – 18 tháng.

Các bước trồng lan cắt cành đạt hiệu quả cao

Kỹ thuật chọn giống lan cắt cành: Lan cắt cành phổ biến hiện nay gồm Dendrobium, Mokara, Vadan, Oncibium. Trong đó, loại Lan cắt cành chủ lực là Dendrobium, Mokara. Có nhiều cách để nhân giống hoa Lan cắt cành như gieo hột ( ít được phổ biến vì quá khó khăn, hiệu quả không cao), cấy mô (khá phổ biến hiện nay) và tách chiết cây con từ cây mẹ. (áp dụng cho các nhà vườn trồng Lan với qui mô nhỏ).

Kỹ thuật trồng lan cắt cành hiệu quả

Kỹ thuật trồng lan cắt cành hiệu quả

Chọn địa điểm trồng lan cắt cành thế nào? Địa điểm lập giàn lan (tức lập vườn lan) có thể là trước sân nhà, đất trống bên hông nhà. Nơi lập vườn lan có thể là đất vườn, đất ruộng, đất bưng đều được, miễn là mát mẻ, thông thoáng và gần nguồn nước tưới.

Chọn hướng trồng: Chọn hướng của giàn lan để lan tránh được ánh sáng trực xạ làm cho héo cây và cháy lá. Vì vậy, làm giàn lan phải chọn đúng hướng. Thông thường, lớp lưới che cho giàn lan được lợp thẳng góc với đi của mặt trời, để bên trong giàn lan lúc nào cũng nhận được ánh sáng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây lan.

Lưu trữ kỹ thuật trồng lan cắt cành

Lưu trữ kỹ thuật trồng lan cắt cành 

Khung sườn giàn lan: Cột chống đỡ cho giàn Lan cắt cành thường bằng trụ xi măng hoặc trụ sắt hoặc cây (tuỳ theo điều kiện kinh tế hộ).Chiều cao của cột: 3 – 3,5 m, chiều rộng tuỳ theo kích thước vườn, nóc có thể làm theo kiểu nhà một mái hoặc hai mái, tốt nhất là nóc bằng.

Mái che cho lan: Hiện nay, mái che giàn lan bằng lưới. Lưới có 2 loại; lưới đen và lưới xanh. Mái giàn lợp bằng tre, bằng gỗ rất mau mục nhưng với lưới thì vừa nhẹ, vừa dùng được lâu. Lưu ý khi lợp lưới nên căng cho thẳng và chằng dây kẽm trên dưới cho chắc để khỏi bị võng xuống.

Giàn treo phong lan: Giàn làm cao trên 3 m là để che chắn bớt ánh sáng cho lan và tạo sự thông thoáng cần thiết cho vườn. Bên dưới giàn, từ mặt đất đo lên khoảng 1,6m (dễ chăm sóc, thu hoạch), tạo một cái giàn để treo phong lan. Để treo các chậu phong lan có thể dùng cây tầm vông thật thẳng làm sào hoặc tốt nhất là dùng các loại ống nước tròn bằng nhựa hoặc sắt. Những cây sào này được gác song song cạnh nhau, khoảng cách giữa hai cây độ 30 – 35 cm là vừa. Nếu giàn lan không đủ độ ẩm, dưới giàn treo lan có thể đào mương rãnh để dẫn nước vào hoặc xây hồ xi măng, trồng cây thấp nhỏ như dương xỉ…

Các bước chuẩn bị để trồng lan căt cành

Các bước chuẩn bị để trồng lan căt cành 

Chọn loại giá thể gì trồng lan cắt cành? Trồng phong lan phải sử dụng đến giá thể. Giá thể trồng lan cắt cành có thể là than gỗ, xơ dừa (bạn lưu ý: Trong xơ dừa có chất tannin là chất chát; vì vậy, trước khi dùng nên ngâm nước nhiều ngày; sau đó, vớt ra phơi khô, phun thuốc trừ bệnh để phòng ngừa), gạch (gạch là chất hút nước tốt, giữ ẩm cao nhưng nhược điểm là dễ mọc rêu, nặng…); vỏ cây thông (vỏ cây thông tuy khó kiếm nhưng nếu có được loại giá thể thì rất tốt cho việc trồng lan cắt cành, do trong vỏ thông có chất resin là chất sát khuẩn nên trồng lan rất tốt); dớn (dớn là chất liệu trồng lan rất tốt, dớn được lấy ra từ thân, rễ của cây dương xỉ, ưu điểm là giữ ẩm tốt, nhược điểm là trồng lâu ngày phải thay chất trồng mới vì dớn mục nát, thiếu thoát khí).

Một số cách trồng lan cắt cành phổ biến: Lan cắt cành có thể được trồng trong chậu (Dendrobium), trồng thành băng (Dendrobium, Oncidium), trồng thành luống như Vanda, Mokara…

Phòng trừ sâu bệnh cho lan cắt cành

Bệnh hại trên lan phổ biến

Bệnh đen thân cây lan: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carboxin 1/2000; Zineb 3/2000; Benlat 1/2000.

Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên).

Bệnh thán thư: do nấm Colletotrichicm sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa , phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 – 7 ngày/1 lần.

Bệnh thối mềm vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh sẽ bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

Sâu hại lan

Rệp vảy: Rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng.

Bọ trĩ: Gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần.

Xem thêm:>>

Khám phá vẻ đẹp mới lạ của hồ điệp mãn thiên hồng 

Cửa hàng hoa lan hồ điệp uy tín giá rẻ nhất Sài Gòn 

Gợi ý những mẫu hoa lan sinh nhật đẹp sang trọng nhất

30 hình ảnh hoa lan hồ điệp tuyệt đẹp và sang trọng

Các giống lan hồ điệp cực hot được ưa chuộng hiện nay